Theo Tổng cục Thống kê, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, trong quý I/2021, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng đến 2,42% và nhu cầu mua sắm giảm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27%.

Ngày 29/3, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý I/2021, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 1/2021, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với quý I/2020.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2021 ước tính là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2021 ước tính đạt 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 1/2021 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đến 2,42%.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng trong quý I năm nay, công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm. Cụ thể, tính đến ngày 23/3, Chính phủ đã hỗ trợ cứu đói giáp hạt cho hơn 236,2 nghìn nhân khẩu với tổng lượng gạo là 3.393,5 tấn cho 7 địa phương: Quảng Bình, Lạng Sơn, Đắk Nông, Lai Châu, Gia Lai, Điện Biên và Sơn La.

Như vậy từ tháng 6/2020 đến nay, đây là tháng thứ 10 liên tiếp không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, có hơn 22,2 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên đại bàn cả nước.

Cũng vì dịch COVID-19 tái bùng phát, nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm nhưng là theo quy luật hàng năm.

Ngoài ra, giá các loại thực phẩm cũng giảm do nguồn cung dồi dào.

Đây là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước và tăng 1,31% so với tháng 12/2020.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Ba tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016; CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Ngoài ra, lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng trước và tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2021 tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Theo bà Hương, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý II, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

B.Loan

Nguồn: https://giadinh.net.vn/thi-truong/quy-i-2021-dich-covid-19-khien-ty-le-that-nghiep-tang-tieu-dung-giam-20210329184845202.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *