hse là gì

HSE (Health – Safety – Environment), nghĩa là Sức khỏe – An toàn – Môi trường, nói một cách đơn giản và dễ hiểu nghề HSE có nghĩa là nhân viên giám sát an toàn – môi trường, kỹ sư an toàn,…là các chức danh về bản chất đều là kỹ sư bảo hộ lao động (BHLĐ). Vì vậy, nghề HSE là nghề chịu trách nhiệm về mặt an toàn và vệ sinh môi trường lao động

Tại mỗi công ty có quy mô thuộc các quốc gia lớn trên thế giới, họ thường phân định rạch ròi nhiệm vụ, chức năng của nghề, do đó sẽ có những tên gọi cho nghề này khác nhau như: HSE, SHE, HES. Chữ cái nào đứng đầu thì là công việc chính của nhân viên đó. Chung quy lại đều nhằm mục đích đảm bảo an toàn, sức khỏe, môi trường trong quá trình làm việc cho người lao động.

Trách nhiệm của một HSE:
– Đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Nhà nước và Pháp luật trong lĩnh vực An toàn lao động & Môi trường của Bộ Lao động TBXH, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, PCCC,…về Đánh giá tác động Môi trường, Giấy phép xả thải, Nội quy An toàn lao động, Báo cáo Tai nạn lao động, Biện pháp ứng phó, phòng ngừa Tai nạn lao động,…
Đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó theo dõi, kiểm tra và đề ra biện pháp khắc phục, hạn chế các yếu tố môi trường do đất, nước, không khí, rác, khí thải,…
– Xác định nguy cơ và đánh giá rủi ro, từ đó đề xuất biện pháp kiểm soát, khắc phục an toàn liên quan đến máy móc, người lao động
– Đề xuất và thực hiện chương trình khám sức khỏe đầu vào, khám định kì, đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe và bệnh nghề nghiệp của người lao động trong suốt thời gian làm việc
– Lập báo cáo đánh giá tình hình liên quan đến an toàn lao động và môi trường, họp bàn cùng Ban lãnh đạo đề xuất giải quyết các vấn đề liên quan

Kỹ sư HSE cần trang bị những gì?
– Kiến thức chuyên ngành: Tuy là ngành không được đào tạo rộng khắp tại Việt Nam nhưng kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư môi trường và Kỹ sư BHLĐ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, chỉ cần tìm hiểu thêm một số kiến thức liên quan khác đều hoàn toàn có khả năng đảm nhận vị trí công việc này.
– Nắm vững các kiến thức về các quy định trong tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là ISO 14001. Tức là nắm: yêu cầu tiêu chuẩn cụ thể, đánh giá được các lổ hỏng trong hệ thống và đề xuất khắc phục, các phương pháp đánh giá tác động môi trường, đánh giá rủi ro,…
Có kỹ năng phân tích nguyên nhân: một sự cố, tình huống tai nạn xảy ra, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân tích và xác định nguyên nhân một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó đưa ra biện pháp giải quyết tức thì, đồng thời đánh giá tính hiệu quả của biện pháp đó để áp dụng phòng ngừa, giải quyết trong tương lai
– Hiểu rõ các kiến thức pháp luật liên quan đến người lao động, an toàn lao động, quyền lợi và trách nhiệm người lao động về an toàn lao động, tai nạn lao động, những quy định về môi trường,…
– Có kỹ năng đào tạo: công việc của bạn là đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe lao động và môi trường. Vì vậy, việc hướng dẫn, đào tạo người lao động hiểu và thực hiện các biện pháp an toàn lao động, các biện pháp phòng tránh là cực kì cần thiết. Có kỹ năng đào tạo, quá trình truyền đạt của bạn sẽ trôi chảy và hiệu quả hơn.